0912.037.117

Chống bám dính thành Silo xi măng

Silô xi măng là một thiết bị không thể thiếu trong dây chuyền sản xuất xi măng. Nó dùng để lưu giữ xi măng bột sau khi nghiền, trước khi đóng bao hoặc xuất rời. Do xi măng là sản phẩm ở dạng bột mịn, hoạt tính cùng với nhiều nguyên nhân khác, trong quá trình sử dụng thường xảy ra tình trạng bột xi măng bám dính vào thành silô, tích tụ, kết tảng, làm giảm thể tích hiệu dụng của silô, khi các tảng xi măng rơi xuống sẽ gây tắc vòi đóng bao.

Khi silô bị dính bám, kết tảng gây tắc vòi đóng bao thì việc xử lí nó là điều rất khó khăn, tốn kém và nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất. Chi phí mỗi lần vệ sinh thông tắc cho silô rất lớn, thông thường khoảng trên nửa tỷ đồng/01 silô, tuỳ theo mức độ bám dính nhiều hay ít. Mỗi lần vệ sinh silô có hàng trăm thậm chí hàng ngàn tấn xi măng phải đục ra, nghiền lại. Việc thông tắc silô rất khó khăn, nguy hiểm, thậm chí đã xảy ra tai nạn chết người trong khi vệ sinh thông tắc silô ở một số nhà máy và việc vệ sinh thông tắc silô thường kéo dài nhiều ngày làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của nhà máy..

1. Đánh giá tình trạng, nguyên nhân gây nên hiện tượng bám dính xi măng

Đối với các nhà máy xi măng từ trước đến nay, silô xi măng khi xây dựng chưa chú trọng đến việc chống bám dính mặt trong thành silô. Với khí hậu Việt Nam có độ ẩm không khí cao, hiện tượng xi măng bám dính thành silô rất dễ xảy ra do đó vấn đề phòng, chống bám dính thành silô xi măng là nhu cầu cần thiết của hầu hết các nhà máy xi măng.

Việc chống dính silô xi măng nếu được thi công ngay từ khi thi công xây dựng công trình sẽ mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn nhiều so với khi đã đưa silô vào sử dụng. Việc chống bám dính ngay từ khi thi công silô sẽ cho lớp vật liệu chống dính có chất lượng cao hơn, sự liên kết giữa lớp vật liệu mới với bê tông gốc cao hơn, điều kiện thi công thuận lợi hơn, chi phí thi công ít hơn, do đó giá thành giảm đi đáng kể. Đây là những nhận xét được rút ra từ thực tiễn khi chống dính các silô mới và cũ.

Việc bám dính xi măng trong silô được xác định là do các nguyên nhân chủ yếu sau:

  • Độ đặc chặt, độ nhẵn, độ phẳng của thành trong silô (cơ sở để tạo các dính bám ban đầu và sau đó càng để lâu càng rắn chắc).
  • Mức độ tích tụ năng lượng bề mặt (tổng năng lượng tự do bề mặt của bột xi măng và bề mặt thành silô).
  • Tình trạng tích tụ ẩm bề mặt (ẩm từ không khí, khí nén, thấm ẩm…).
  • Cấu tạo bên trong của silô, dung tích, chiều cao và thời gian lưu xi măng trong silô….

2. Qui trình kỹ thuật thi công chống dính silô xi măng

a. Vật liệu

Sử dụng các vật liệu đã được nghiên cứu, chế tạo, kiểm tra, thử nghiệm có các tính năng kỹ thuật thoả mãn các yêu cầu cho việc tạo lớp chống dính có hiệu quả các silô xi măng, bao gồm:

– Vật liệu trám bả tăng cường liên kết giữa bê tông gốc và lớp chống dính.

– Vật liệu sơn phủ chống dính sơn Epoxy ( Chọn vật liệu phù hợp cho từng yêu cầu công trình Silo )

b. Thiết bị thi công và chuẩn bị mặt bằng thô

– Máy nén khí: Khí nén dùng để thổi làm sạch bụi bẩn, để phun sơn chống dính, để phun tạo ẩm.

– Máy phun sơn áp lực cao: Sử dụng thiết bị phun sơn áp lực cao, dưới vận tốc lớn, các hạt sơn được ép chặt vào bề mặt cần sơn.

– Các thiết bị khác bao gồm: Máy trộn vữa cưỡng bức 200 lít, tời điện, máy đục, máy khoan điện, máy mài, hệ thống giáo ống thép, và các vật tư khác phục vụ thi công.

– Lắp dựng hệ thống dàn giáo ống thép chịu lực, các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công. Lắp đặt nguồn cung cấp điện, nước.

– Vệ sinh bụi bẩn, đục tẩy các phần vữa và bê tông bám dính, các khuyết tật. Với các silô xi măng cũ vấn đề vệ sinh làm sạch bề mặt có vai trò rất quan trọng.

– Phun ẩm bề mặt bằng thiết bị phun sương, đảm bảo bề mặt phải bão hoà nước.

– Trám bả toàn bộ diện tích cần chống dính bằng vật liệu kết nối, dày TB 0,5 – 1,2 cm tuỳ thuộc vào tình trạng bề mặt bê tông gốc, làm phẳng, đánh bóng bề mặt. Sau khi trám bả 5 – 6 giờ phải dưỡng ẩm bề mặt bằng cách phun sương. Dưỡng hộ ẩm lớp vữa trám bả ít nhất 3 ngày, mỗi ngày ít nhất 5 lần.

Hình ảnh vệ sinh về mặt silo

c. Qui trình các bước thi công

Bước 1: Công tác vệ sinh tinh.

  • Mặt bằng thi công phải được vệ sinh sạch sẽ, loại bỏ các chất dầu mỡ, bụi bẩn làm ảnh hưởng đến bám dính của vật liệu.
  • Sử dụng máy đánh giấy ráp độ nhám mài bề mặt sạch sẽ, sau đó sử dụng máy thổi  làm sạch bụi bẩn.
  • Công tác chuẩn bị mặt bằng phải được kiểm tra và nghiệm thu trước khi thi công bước tiếp theo.

Bước 2: Thi công sơn Epoxy thành Silo

  • Dùng máy trộn tốc độ thấp trộn 2 thành phần Sơn Epoxy đến khi đồng nhất.
  • Tiến hành sơn lớp lót Epoxy Primer định mức 0,15 lít/ m2. Thời gian chờ khô của lớp lót 6-8 tiếng tùy vào nhiệt độ ngoài trời để thi công lớp sơn phủ tiếp theo.

Hình ảnh thi công lớp Primer

  • Trộn 2 thành phần sơn phủ Epoxy với nhau theo tỉ lệ đã định sẵn bằng cần trộn điện tốc độ thấp cho đến khi hỗn hợp đạt được sự đồng nhất.
  • Sơn lớp phủ Epoxy thứ nhất định mức 0.15 lít/ m2/ lớp theo một chiều đảm bảo sơn đều trên bề mặt.

Hình ảnh thi công lớp phủ 1 Epoxy

  • Sau khi lớp sơn phủ thứ nhất khô lại, tiến hành sơn phủ Epoxy thứ hai, định mức 0.15 lít/ m2 / lớp theo chiều vuông gốc với lớp thứ nhất. Đảm bảo lăn đều và kín toàn bộ bề mặt thi công.

Hình ảnh thi công lớp phủ 2 Epoxy

  • Sau khi hoàn thiện bảo vệ bề mặt tránh nước, bụi bẩn, đi lại trong 24h và tránh tải nặng trong ít nhất 72h.
  • Nghiệm thu và bàn giao công tác tiếp theo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *